Vào mùa hè oi bức hay những lúc chuyển mùa, cơ thể chúng ta rất dễ bị cảm. Theo kinh nghiệm dân gian ở quê tôi, có thể dùng nước 5 thứ đậu để thanh nhiệt, giải độc, tăng sức đề kháng và phòng ngừa trúng gió (phong tà).
Cách làm loại nước này rất đơn giản. Chỉ cần ra chợ, mua 5 loại đậu với liều lượng bằng nhau. Tuy nhiên, đây phải là năm loại đậu ứng hợp với ngũ hành, tức có năm màu khác nhau. Đó là đậu xanh (quy hành Mộc), đậu đỏ (quy hành Hỏa), đậu trắng (quy hành Kim), đậu đen (quy hành Thủy) và đậu vàng, tức đậu nành (quy hành Thổ). Khi nói về nước 5 thứ đậu này, người ta hay tiện miệng gọi là nước “ngũ cốc”, tuy nhiên, trên thực tế, ngũ cốc lại là những loại khác.
Mục lục hiện
Sau khi mua về, các bạn cho đậu vào rổ, sàng qua sàng lại cho sạch bụi rồi cho vào chảo rang (mỗi thứ rang riêng), rang đến khi hạt đậu chín, giòn và bắt đầu có mùi thơm của đậu rang là được. Sau khi rang xong, chúng ta trộn đều các thứ đậu lại, chờ cho đậu nguội hẳn thì bỏ vào keo và để dùng dần. Mỗi ngày, có thể lấy một nắm đậu hỗn hợp (sao cho có đủ các loại trên) và nấu trong 1 – 2 lít nước, nấu đến khi ra màu của đậu thì chắt lấy nước uống (sau đó có thể đổ thêm một ít nước để tiếp tục nấu cho ra hết chất từ hạt đậu). Phần hạt đậu sau khi đã nấu một vài lần cũng sẽ chín mềm, khi đó có thể ăn cho vui miệng hoặc dầm nước đá ăn (những đứa trẻ ở quê tôi vẫn thường múc một ly cả nước lẫn cái rồi bỏ đường, ăn như ăn chè vậy, tuy nhiên, chúng ta vẫn nên uống không thì sẽ tốt hơn (mặc dù có đường thì ngon hơn)).
Nếu không dùng cách trên, các bạn cũng có thể dùng bình thủy để hãm đậu. Thay vì nấu, chúng ta lấy một nắm đậu rang để vào bình thủy và đổ nước sôi vào, đậy kín nắp lại. Như vậy, bất cứ khi nào cần dùng thì có thể rót ra uống nóng (thường vào mùa đông).
Nước 5 thứ đậu có màu vàng nâu và thơm mùi đậu rang tổng hợp, rất dễ uống. Bên cạnh đó, để đảm bảo sự hấp thu hiệu quả, cách tốt nhất là chúng nên uống hết nước đậu trong ngày, tránh để qua đêm. Như vậy, thay vì dùng các loại nước giải khát tổng hợp với phụ gia thì nước 5 thứ đậu lại là thức uống vừa an toàn, vừa giúp cơ thể được bổ sung các dưỡng chất thiết yếu hàng ngày (đậu là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời).
Đậu đen được biết đến là loại đậu tốt cho gan thận, điều trị được các chứng suy nhược, thiếu máu… Với những người ăn quá nhiều đồ chiên xào làm tạng phủ suy yếu hoặc lo nghĩ thái quá, tửu sắc vô độ, khí huyết không thông… dẫn đến đại tiện ra máu thì đậu đen sẽ là một gợi ý.
Trong trường hợp này, chúng ta có thể lấy một nắm hạt đậu đen tươi (không cần rang), nấu cho chín rồi uống nước và ăn cả hạt. Lưu ý, khi nấu không cho thêm đường hoặc muối (như thói quen của nhiều người) và kiên trì dùng đều đặn thì sẽ thấy hiệu quả, kể cả những người bị đại tiện ra máu lâu năm cũng vậy. Ngoài ra, những người có tính hàn và phụ nữ sau sinh thì nên uống đậu đen với nước gừng sẽ tốt hơn (1) (2).
So với các loại đậu khác, đậu xanh là loại được dùng phổ biến nhất (làm nước giải khát như sữa đậu xanh, chè lạnh và làm các món ăn hàng ngày như cháo, chè, bánh…). Việc có sẵn hạt đậu xanh trong nhà cũng rất tiện. Bởi lẽ, đậu xanh có rất nhiều ứng dụng làm thuốc.
Tham khảo: Hạt đậu xanh – Bí kíp điều trị tiêu chảy, say nắng trong mùa hè
Đậu đỏ được biết đến là loại đậu có tính bổ và ăn vào lâu ngày thì mắt khỏe mạnh, sáng tỏ. Theo mẹo vặt dân gian, phụ nữ khó sinh có thể lấy 7 hạt đậu đỏ và nuốt sống nguyên hạt, sau đó uống thêm một ít nước đun sôi để nguội thì sẽ dễ sinh hơn.
Sau khi sinh, nếu mắc chứng sữa không thông, có thể lấy một nắm đậu đỏ nấu lên rồi chắt nước cho sản phụ uống (uống thay nước), như vậy sữa sẽ thông lại.
Mặt khác, với trường hợp trẻ bị chậm nói, chúng ta cũng có thể cải thiện bằng cách lấy một nắm hạt đậu đỏ tán mịn rồi cho thêm chút rượu vào, trộn cho sệt và bôi vào phía dưới lưỡi của trẻ em. Có thể nói, đậu đỏ là vị thuốc dành cho phụ nữ và trẻ em
Đậu nành được biết đến với nhiều công dụng bổ ích như cung cấp khoáng chất và năng lượng, làm cân bằng tế bào, bồi bổ cho trẻ em và cũng rất tốt cho người lớn (nhất là những người làm việc quá sức, đầu óc căng thẳng, bị đái tháo đường, cao huyết áp hoặc tim mạch).
Cách dùng đơn giản nhất là làm sữa đậu nành uống (nấu cho chín kỹ), kế đến là làm bột đậu nành hoặc đậu phụ (tàu hủ). Trong đó, tàu hủ nóng nước gừng là món ăn tuyệt vời!. Tuy nhiên, không nên dùng đậu nành vào lúc đói và không nên dùng quá nhiều (mỗi người chỉ nên uống khoảng 1 ly mỗi ngày) (1) (3).
Nhắc đến đậu trắng, người ta nghĩ ngay đến món bánh Tét (bao giờ cũng dùng đậu trắng để trộn với nếp) và món chè đậu trắng khoai môn bổ dưỡng, thơm ngon.
Về giá trị sức khỏe, đậu trắng tốt cho những người bị máu nhiễm mỡ, tiểu đường, tăng huyết áp, hay chán ăn, mệt mỏi, đau lưng (do khí huyết hư, thận yếu)… Đặc biệt, với những người lớn tuổi bị viêm đại tràng, tiểu đêm, đau lưng, mỏi gối thì dùng đậu trắng nấu chè chung với hạt sen, đậu đen, đậu đỏ (mỗi loại khoảng 50 g) cũng rất tốt. Đây vừa là bài thuốc lại vừa là món ăn bổ dưỡng, thơm ngon (4).
Nguồn: https://danangsale.vn
26 Jun 2024
22 Jan 2024